Ooker's blog

Tôi và thế giới


Leave a comment

Thông báo chuyển nhà

Hiện tại tôi đăng bài trên Quảcầu.com. Đây là những bài bạn có thể quan tâm:

Độc giả của blog này là ai?

Mình xác định những người sẽ thấy blog này hay là những người (1) nghiêm túc với việc tuân thủ logic, và (2) nghiêm túc với việc đặt mình vào vị trí người khác.

Nỗi sợ, góc nhìn, mạnh mẽ, và từ bi

Tranh luận hiền hòa

Ai tham gia tranh luận cũng mong suy nghĩ của mình giúp ích được cho người khác, chứ không mong áp đặt người khác phải theo ý mình. Có nhận ra rằng mục tiêu của họ là muốn tôn trọng sự thật thì sự đánh giá của mình về sự gay gắt và phiến diện của người khác mới bớt gay gắt và phiến diện. Tuy nhiên, có những lúc dù cả hai rất cố gắng để nói cho nhau nghe, nhưng hiểu nhầm vẫn cứ xuất hiện, rồi cuối cùng cả hai lại cáu gắt với nhau. Bài viết trình bày một số khái niệm để việc tự soi chiếu bản thân được dễ dàng hơn. Chúng đều là những khái niệm trong tâm lý học xã hội và tâm lý học nhận thức.

Con mắt lạnh như băng

Bài viết dành cho những ai biết mình cần phải thay đổi, nhưng gom mãi mà không đủ quyết tâm. Hoặc cho những ai biết mình cần phải thoát ra khỏi sự sợ hãi hoặc ảo tưởng, nhưng không biết làm sao để cắt đứt chúng.

Khi đạo sĩ gặp rối loạn tâm lý

Giả sử một người có một rối loạn tâm lý vì từ nhỏ chịu nhiều tổn thương. Người đó lớn lên và rối loạn của họ trở nên ổn định hơn. Trên con đường đó họ bắt gặp triết học Lão – Trang và cảm thấy đây đúng là thứ mình cần tìm. Họ sẽ như thế nào?

Rắc rối của từ bi

Không thiếu những câu chuyện lay động về việc cảm hóa sự giận dữ, hận thù bằng sự từ bi. Nhưng tất cả các câu chuyện đó đều chứa một ngầm định quan trọng: người từ bi đã đi guốc sẵn trong bụng người được từ bi rồi. Và đây chính là điều khiến cho chúng chỉ là những câu chuyện nghe thì hay nhưng gần như không thể nào xảy ra trong thực tế, chỉ vì một câu hỏi đơn giản: họ là ai mà dám cho rằng mình đúng?

Bài viết nói về những đào sâu suy tư và những biến đổi tâm lý của một người từ bi, cũng như những yêu cầu khắc nghiệt và mâu thuẫn nhau để họ có thể mạnh dạn nói rằng điều họ làm xuất phát từ lòng từ bi. Đặc biệt trong trường hợp ngặt nghèo nhất: người từ bi chưa hiểu được tại sao người kia lại làm như vậy (tức chưa có một cơ sở lý thuyết cho trực giác của mình), và người được từ bi có định kiến sẵn với họ. Đáng tiếc, đây có lẽ mới là trường hợp phổ biến trong xã hội nhất, và dường như chưa có ai đề cập đến chúng.

Chủ đề khác

Bộ sưu tập từ điển chuyên ngành

Bộ sưu tập này có khoảng 100 file từ điển. Mình để chế độ tự do chỉnh sửa để ai có cuốn nào mới thì có thể đóng góp. Mình ưu tiên từ điển hoặc giáo trình nhập môn đại học để các bạn dịch nếu phải dịch một thuật ngữ ngoài chuyên ngành có thể hiểu thêm về nó.

Các phần mềm hữu ích

Đây là danh sách những phần mềm mình không thể sống thiếu được. Đa số thì đều có trên Mac, nhưng có một số phần mềm chỉ chạy trên Windows được thôi


Leave a comment

Quả cầu

Bằng trí tưởng tượng và logic thuần túy, ta dựng một quả cầu lên trên thế giới thực. Từ trên cao, một điểm sáng rọi xuyên qua mặt cầu, và chiếu lên thế giới thực ảnh của nó.

Octahedron

Trên thế giới thực, một đường thẳng sẽ kéo dài ra vô tận, và hai đường thẳng sau khi đi qua nhau sẽ không bao giờ gặp nhau lần nữa. Nhưng khi nhìn lên quả cầu, chúng chỉ là ảnh của những đường tròn đi qua đỉnh, liên tục gặp lại và rời xa nhau. Ta hiểu rằng chúng không chỉ gặp nhau một lần nữa tại vô cực, mà là còn gặp lại quá khứ trong tương lai.

Mỗi khi quả cầu ấy quay, mọi thứ quanh ta sẽ lại biến đổi. Những thứ xa xôi sẽ trở nên gần gũi, và những điều quen thuộc sẽ rời bỏ ta đi. Chúng tưởng chừng thật vô lý, nhưng lại có gì đó rất hiển nhiên. Hiển nhiên, nhưng lại không thể nắm bắt được, vì vốn dĩ nó đến từ một nơi mà ta không nhìn thấy. Không thể giải thích sự vô lý, cũng không thể giải thích sự hiển nhiên, sự nhập nhằng đó hẳn là rất khó chịu.

Hãy gom tất cả mọi mơ hồ lại, và đặt tên nó là x. Chỉ bằng một câu hỏi đơn giản, ta sẽ lật lên được một mảnh ghép. Và bằng sự kiên trì, ta sẽ nhận ra được sự đối xứng bên trong. Thì ra đó là đối xứng. Chúng sẽ chạy thành một vòng tròn, mô phỏng lại sự đối xứng của quả cầu, tạo ra các chuyển động tuần hoàn, mà biểu hiện đơn giản nhất chính là các con lắc.

Pendulum

Hằng hà sa số các con lắc ấy thấm đẫm trong mọi vật, dao động không ngừng nghỉ. Vạn sự đều là kết quả của sự kết hợp độc nhất giữa chúng. Mỗi con lắc có một nhịp điệu của riêng nó, nó sẽ chuyển động thật chậm tại hai đầu đối ngược, nhưng lại vô cùng nhanh tại chính giữa. Đó là lý do vì sao ở giữa hai điểm rõ ràng lại vô cùng mờ nhạt. Có khi mờ đến độ không ai nghĩ rằng bản chất của hai thái cực đó lại chỉ là cùng một thứ.

Nó sẽ cộng hưởng nếu được tác động theo đúng nhịp của nó. Sự cộng hưởng, dù chỉ sượt qua trong chốc lát, cũng đủ để nó được thể hiện thật rõ ràng. Các con lắc cũng sẽ kết hợp lại với nhau và tạo thành các sóng. Sóng tuy vô hình, nhưng lại truyền khắp không gian, tuần hoàn theo thời gian, sẵn sàng cộng hưởng với bất cứ thứ gì đồng điệu với nó.


9 Comments

Tại sao lý thuyết Maxwell lại khó hiểu

Trong cơ học lượng tử, cũng như trong lý thuyết Maxwell, Tự nhiên sống trong thế giới toán học trừu tượng của lớp thứ nhất nhưng chúng ta, con người, lại sống trong thế giới cơ học cụ thể của lớp thứ hai. Chúng ta chỉ có thể mô tả Tự nhiên bằng ngôn ngữ toán học trừu tượng bởi vì ngôn từ bằng lời thông thường của chúng ta chỉ có thể mô tả lớp thứ hai.

Source: Tại sao lý thuyết Maxwell lại khó hiểu


Leave a comment

Vẫn cảm thấy buồn chán trong một nền văn hoá giải trí

251236

Hãy để cho trí tưởng tượng của bạn đi lang thang một lúc. Bạn có một buổi tối nhàn rỗi: không có việc gì để làm, không có những trách nhiệm với người khác. Tôi tự hỏi ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu bạn là gì? Đối với nhiều người, đó là một bộ phim (thậm chí hai). Hãy tưởng tượng sẽ như thế nào nếu mất điện hàng tuần và bạn không có TV, máy tính, video, DVD, CD, radio. Chúng ta thấy khó mà tưởng tượng về một cuộc sống như vậy; trong thực tế, một số người sẽ cảm thấy nó đáng sợ. Chúng ta sẽ làm gì với bản thân? Làm thế nào chúng ta có thể sống sót trong cơn khan hiếm những trò giải trí?

Vào một ngày cuối tuần, thành phố St. Louis của tôi có thể mang lại những trận bóng chày và bóng đá thú vị, nhiều buổi hoà nhạc, những bộ phim ở rạp và trên video, những trò chơi và triển lãm nghệ thuật, và quá nhiều kênh TV để xem ở nhà. Làm thế nào mà bất kì ai cũng có thể cảm thấy buồn chán trong nền văn hoá của sự giải trí này? Điều đó dường như là bất khả thi. Nhưng thật trớ trêu, một nghiên cứu hàng năm gần đây về những ý kiến của người tiêu dùng đã tiết lộ một sự tăng vọt của sự buồn chán. Cuộc khảo sát này phát hiện thấy đa số mọi người khao khát nhiều điều mới lạ hơn trong cuộc sống của họ.

CĂN BỆNH CỦA THỜI ĐẠI CHÚNG TA

Chúng ta buồn chán, mặc dù đang sống trong thời đại đặc biệt. Giống như một người dùng thuốc tăng sự chịu được thuốc và cần những liều thuốc lớn hơn để đạt được kết quả tương tự, chúng ta cũng đã phát triển một sự chịu đựng được trước những sự kiện gây bất ngờ, và có lẽ trước những trò giải trí.

Reader’s Digest nhấn mạnh điều này trong một bài báo tựa đề “Làm thế nào để đương đầu với sự buồn chán.” Nó nói, “Mặc cho rất nhiều trò giải trí đa dạng và những nguồn lực của nó, sự điên cuồng với những tiết mục biểu diễn, và cuộc theo đuổi sự giải trí của nó, nước Mĩ vẫn đang buồn chán. Quá nhiều nỗ lực để chống lại sự buồn chán ở Mĩ đã đánh bại bản thân họ và buồn chán đã trở thành căn bệnh của thời đại chúng ta.”

Điều này không chỉ đúng với Mĩ. Ở Anh, một bài báo gần đây trên tờ báo quốc gia lớn đã thông báo Archbishop of Canterbury nói, “Chúng ta là một xã hội đang buồn chán một cách sâu sắc và nguy hiểm và chúng ta không sẵn sàng tìm kiếm nguyên nhân của điều đó. Chuyện gì đã xảy ra với chúng ta?” Ông ấy hỏi “Tại sao chúng ta quá buồn chán?”

NHIỀU THỜI GIAN RẢNH HƠN

Từ giữa những năm 1800, đối với nhiều người thì tuổi thọ và thời gian rảnh rỗi của họ tăng lên rất nhiều. Những người sống vào giữa những năm 1800 làm việc bảy mươi giờ một tuần và có tuổi thọ là 40. Hiện nay ở các nước phát triển, con người có thể làm việc bốn mươi giờ một tuần và tuổi thọ là 70 hoặc hơn. Một tác giả cho rằng điều này đem lại cho một người bình thường khoảng 33,000 giờ rảnh rỗi hơn một người ở giữa những năm 1800.

Không chỉ thế, kiểu hoạt động lúc rảnh rỗi mà con người tham gia ngày nay đã thay đổi. Nhiều thời gian được dành để ngồi một mình trước thiết bị điện tử giải trí. Trước đây thời gian thường sẽ được dành cho gia đình: chơi nhạc, kể chuyện, và giao lưu với bạn bè và cộng đồng địa phương. “Thời gian ở một mình” cũng tăng lên khi mọi người chuyển khỏi các cộng đồng nông thôn nhỏ hơn sang các thành phố công nghiệp, nơi dễ có được sự vô danh.

Bây giờ, khi chúng ta về nhà, hiếm khi chúng ta ở bên nhau để chơi nhạc hoặc chơi các trò chơi. Chúng ta không còn cần đến những người hàng xóm của mình nữa. Chúng ta về nhà, đóng cửa lại và tìm đến những nơi giải trí riêng tư của mình.

GIẢI TRÍ QUÁ MỨC

Gene Veith viết, sự buồn chán là một triệu chứng kinh niên của một thời đại ám ảnh bởi lạc thú (trang 41).

Sự buồn chán dễ dàng được nhận ra khi không có việc gì để làm. Nhưng quan điểm cho rằng có quá nhiều trò giải trí làm tăng sự buồn chán thì sao? Chúng ta không chỉ có những trò giải trí và thông tin đến với chúng ta thường xuyên ở nhà, mà còn có những thứ cố làm cho chúng ta được giải trí ở hầu hết những nơi chúng ta đi đến. Trên máy bay chiếu phim. Xe hơi có máy radio, máy CD và DVD. Và khi chúng ta dừng ở một cây xăng, tôi ngạc nhiên khi thấy một màn hình video nhỏ ở mỗi máy bơm xăng, để đảm bảo rằng tôi sẽ không thấy buồn chán trong vài phút đổ xăng!

Khi kích thích đến từ mọi phía, chúng ta đạt đến một ngưỡng không có khả năng phản ứng với chiều sâu hơn trước bất kì điều gì nữa. Sự buồn chán chúng ta cảm nhận ngày nay có lẽ đến từ sự quá tải hơn là sự thiếu thốn.
Sự kích thích quá mức được cảm nhận nhiều nhất trong ngành công nghiệp quảng cáo và giải trí. Thay vì tạo ra sự giải trí của riêng chúng ta thì chúng ta lại dựa vào radio, TV, phim, video game, lướt web…Tôi không nói rằng những thứ đó bản chất là xấu. Vấn đề xảy ra khi chúng ta phụ thuộc vào chúng quá nhiều. Ngày nay, bạn không cần phải nỗ lực để làm mình được giải trí. Một người có thể trở thành một kẻ suốt ngày dán mắt vào TV và để nó giải trí cho họ. Cuốn sách của Neil Gablar, Life: The Movie, How Entertainment Conquered Reality chỉ ra làm thế nào mà mọi thứ thời nay cần phải thú vị thì mới thu hút được sự chú ý của chúng ta. Sự giải trí trở thành thước đo chính của giá trị. Truyền thông tạo nên những kỳ vọng cho chúng ta đến nỗi cuộc sống đời thường trở nên ngày càng nhàm chán và chúng ta càng bất mãn nhiều hơn. Giống như những người nghiện ma tuý, chúng ta muốn một kích thích lớn hơn lần tới.

Thêm nữa, đối với tâm trí thời nay thì cái hay và cái đẹp dường như tẻ nhạt và không kích thích. Chúng không mang lại mức adrenaline hoặc testosterone như bạo lực và tình dục. Hành vi bất thường được chiếu để thu hút chúng ta, như trong các chương trình TV như Jerry Springer.

Và khi nghĩ đến những sự cực đoan thì người ta đang ngày càng hứng thú với những trò thể thao mạo hiểm. Trong tạp chí Outside, một người chơi môn thể thao nhảy từ trên máy bay chuyên nghiệp nói, “Chỉ khi nào cơ thể tôi đang gào thét xuống mặt đất mới làm tôi cảm thấy mình đang thực sự sống nhất.”

Còn với những người không ham muốn sự kích thích cực độ đó thì họ có thể tìm thấy nhiều kiểu giải trí ở vô số trung tâm mua sắm, nhà hàng, câu lạc bộ thể hình, hiệu sách, câu lạc bộ tennis, golf, rạp phim, những buổi hoà nhạc.
Tất cả những điều này đã làm gì với chúng ta? Tôi sẽ khuyên bạn rằng khi bị vây quanh và tham gia vào tất cả những trò giải trí này sẽ làm cằn cỗi trí tưởng tượng và những khả năng sáng tạo của chúng ta. Và nó làm suy giảm những nguồn lực bên trong chúng ta để tạo ra và tìm thấy sự giải trí. Nó giống như việc không còn dùng đến những cơ bắp của chúng ta nữa; cuối cùng chúng ta không biết làm sao để sử dụng những cơ bắp của trí tưởng tượng. Khi những nguồn lực bên trong của chúng ta teo lại, thì chúng ta cần nhiều kích thích hơn nữa từ thế giới bên ngoài, để đạt được mức độ giải trí và cảm giác kích thích tương tự.

TỪ QUẢNG CÁO ĐẾN SỰ THỜ Ơ

Xã hội của chúng ta không chỉ bị tấn công tới tấp bởi vô số sự lựa chọn về giải trí mà chúng ta còn đối mặt hằng ngày bởi những thông điệp đến từ ngành công nghiệp quảng cáo được tạo ra để làm chúng ta cảm thấy bất mãn và buồn chán với những gì chúng ta đang có và con người chúng ta là ai. Có lẽ một số người trong xã hội chúng ta thường xuyên cảm thấy thất vọng bởi những lời hứa hẹn từ quảng cáo dối trá đến nỗi họ đã chấm dứt những khao khát sâu sắc nhất của họ và trở nên thờ ơ và buồn chán.

CHỐNG LẠI SỰ BUỒN CHÁN

Rõ ràng một số thứ trong cuộc sống là tẻ nhạt. Một số công việc vốn tẻ nhạt và chán ngắt, nhưng cách chúng ta tiếp cận chúng mới là quan trọng. Sự buồn chán có thể là một kích thích lành mạnh để hành động và là một thách thức để sử dụng óc sáng tạo của chúng ta. Và khi đối mặt với những phần tẻ nhạt nhất của cuộc sống, chúng ta phải nhớ đến bức tranh tổng thể đem lại ý nghĩa cho những điều nhỏ bé. Khi tôi đang sửa máy cắt cỏ lần thứ sáu và cắt cỏ 16 lần trong mùa đó, tôi phải nhớ rằng điều này góp phần tạo ra một nơi tươi đẹp trong khu vườn của tôi, một nơi mà mọi người có thể thưởng thức. Điều quan trọng là nhớ về bức tranh tổng quát khi rửa bát, giặt đồ và hỏi bản thân điều này phù hợp như thế nào với toàn thể cuộc sống và cuộc hôn nhân và gia đình…

Chúng ta cần phát triển niềm say mê thích thú trước những điều đơn giản và bình thường—như chúng ta nói, dừng lại và ngửi những bông hoa hồng. Đây là nơi mà sự bận rộn và phụ thuộc vào sự giải trí liên tục đã ngăn không cho chúng ta trau dồi sự ngạc nhiên trước những điều bình thường của cuộc sống. Mary Pipher viết, “Cuộc đời chân thực nhất phần nào là thanh bình và mang tính lề thói. Phần lớn những niềm vui là những niềm vui nhỏ bé: một lần tắm nước nóng, hoàng hôn, một bát súp ngon, một cuốn sách hay. TV cho rằng cuộc sống là sự kịch tính cao, là tình yêu và tình dục . . . Những hoạt động như làm việc nhà, dạy con đọc, rất ít được chiếu. Thay vì tôn vinh những trải nghiệm đời thường, TV lại cho rằng chúng không đủ thú vị.”

Cuối cùng, chúng ta đối mặt với một sự lựa chọn. Chúng ta có thể chọn lướt web, lướt qua các kênh TV, lướt sóng để thoả mãn cơn khát một điều gì đó nhiều hơn để xoa dịu nỗi buồn chán của mình. Hoặc chúng ta có thể chọn đáp lại tiếng gọi của tình yêu và phục vụ Chúa, người hứa hẹn phần nào trong lúc này và trọn vẹn trong tương lai sẽ thoả mãn khao khát về ý nghĩa cuộc sống của chúng ta, giúp chúng ta kiên nhẫn chịu đựng những lúc buồn chán và thất vọng không tránh khỏi. Và khi chúng ta sống trong mối quan hệ với Chúa, quan điểm của chúng ta về những thứ tẻ nhạt, buồn chán và khó khăn của cuộc sống dần dần thay đổi

———–
Trích từ cuốn sách “Still Bored in a Culture of Entertainment” của tiến sỹ Richard Winter, phát hành tháng 10/ 2002.

Đăng lại từ yeutamly.com


10 Comments

Bài thơ tình yêu

Ngày xưa hồi cấp ba có thích một cô, nên khi được học thơ Xuân Diệu tôi rất thích mấy câu thơ trong bài Vội Vàng:

Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi

(Thật ra nhà thơ tôi đọc nhiều nhất là Chế Lan Viên, vì ổng hay nói về sự sống và cái chết, về sự điêu tàn của nền văn minh Chăm Pa một thời rực rỡ. Nhưng giờ cũng quên sạch =.=). Nay thì vớ phải một cô yêu thơ, nên (từ đây tới hết đoạn này tôi chỉ nói riêng với cô đó), hờ hờ, đặt tít câu view này cho cậu bấm vào, chứ bài thơ này tào lao lắm =))

Bài này tào lao lắm các bạn ạ. Đây là một bài thơ tôi tình cờ đọc được trên báo e-Chip, một tờ báo về công nghệ thông tin một thời lừng lẫy trong Sài Gòn, sau phải thu gọn quy mô vì sự phát triển của… công nghệ thông tin. Chẳng hiểu sao bài thơ này cứ bám vào đầu tôi từ hồi xửa hồi xưa đến giờ. Thơ ông Viên hay thế chẳng nhớ bài nào, mà mỗi bài này thì nhớ. Tựa đề chẳng nhớ, tác giả cũng chẳng biết. Tác giả mà biết cái bài tào lao này mà cũng có người nhớ từ hồi đó đến giờ chắc sốc tới chết.

Nói lại lần nữa là bài này rất tào lao, để các bạn không bị sốc tới chết:

<

p style=”padding-left:30px;”>Anh yêu em,
Như cá yêu nước,
Như chim yêu trời,
Như mainboard yêu CPU.


Leave a comment

For the Love of Physics

Hồi học môn quang năm hai, thầy dạy quá chán nên chui lên YouTube học, thế là phát hiện ra loạt bài giảng của GS Walter Lewin về điện từ. Thấy hay quá nên ngồi coi các bài giảng khác mặc dù mình biết hết rồi. Chúng thật tuyệt vời. Cũng chỉ là phấn trắng bảng đen, nhưng lần này có hai thứ khác: thí nghiệm, và sự nhiệt tình đầy điềm đạm của một người thầy già.

Đúng là ở bậc đại học, cấp bậc nghiên cứu, thì khoảng cách kiến thức giữa thầy và trò không còn quá xa nữa. Tương lai của trò là trở thành một đồng sự của thầy trong nay mai. Kiến thức cần được cập nhật thường xuyên, vì thế người trẻ luôn có lợi thế. Nhưng nói thật mình chỉ thích học với thầy già mà thôi. Người trẻ dạy rất hăng say và nhanh nhạy, điều này tốt. Nhưng chỉ có những người đã trải qua một chặng đường dài mới có thể thốt ra được những lời nói đầy trí tuệ. Cũng vẫn là F=ma, nhưng F=ma của một ông giáo già khác xa với F=ma của một tân PhD. Cả hai đều nhiệt tình như nhau, nhưng anh PhD kia có cố gắng đến mấy cũng không thể tạo ra được hiệu ứng lão hóa mà ông giáo già có được. Cách duy nhất để có thể có hiệu ứng đó là trở nên già.

Quay trở lại với ông Walter. Đây là buổi giảng cuối cùng của ông. Các cựu học sinh già trẻ lớn bé đều quay lại. Trong bài giảng cuối này ông làm hai thí nghiệm đáng nhớ nhất trong suốt cuộc đời dạy học của mình.


Leave a comment

Vua Lê Long Đĩnh và những “ẩn số” trong cuộc đời

Ngoài việc, miêu tả những tội ác của Lê Long Đĩnh, các sử thần đời sau còn cho rằng Ông là một người hoang dâm quá độ, dẫn tới không thể ngồi được (bệnh trĩ), và khi thiết triều phải nằm trên ghế nên sử gọi ông là Lê Ngọa Triều.

Y học ngày nay chưa có một chứng cứ nào cho thấy việc hoang dâm có thể gây ra bệnh trĩ. Vả lại sử sách ghi lại Ông đã 6 lần cưỡi ngựa đánh giặc mà lần cuối cùng cách 2 tháng trước khi Ông mất. Vậy một ông vua không thể ngồi có thể cỡi ngựa đánh giặc được sao?

Nghiên Cứu Lịch Sử

Bộ phim Về đất Thăng Long tái hiện hình ảnh vua Lý Long Đĩnh độc áo, tàn bạo, bênh hoạn, thích giết người, nhìn thấy máu chảyBộ phim Về đất Thăng Long tái hiện hình ảnh vua Lý Long Đĩnh độc ác, tàn bạo, bênh hoạn, thích giết người, nhìn thấy máu chảy

Hoa Anh Đào

Cách đây lâu lắm rồi, tôi rất ấn tượng với một tiết dạy giờ lịch sử. Trong đó, cô giáo của tôi kể về những tội ác của Lê Long Đĩnh, ông vua cuối cùng của nhà Tiền Lê. Những mẫu chuyện về những việc làm “tàn bạo” của Ông “đóng đinh” trong lòng tôi.

Theo như những gì thầy cô kể và những sách sử bấy lâu nay tôi đọc Lê  Long Đĩnh là vị vua tàn bạo nhất trong lịch sử Việt Nam. Một con người bất nhân, bất nghĩa, bạo ngược và hoang dâm vô độ. Như học giả Trần Trọng Kim trong cuốn Việt Nam sử lược nhận xét về vị vua này như sau: “Long…

View original post 2,553 more words


2 Comments

Sự bất lực của triết học?

Lâu lâu chém gió triết học tí cho vui vậy. Biết là cái này quá là phản triết học/phản khoa học, nhưng mà tôi lười định nghĩa tụi nó quá, cứ lấy định nghĩa chung mọi người đều hiểu là được.

Lưu ý hai điều: thứ nhất là cái định nghĩa đó nằm trong từ điển, thứ hai là tôi phân tích một thôi một hồi sẽ đưa ra định nghĩa =)). Cái này cũng đúng thôi, vì định nghĩa nên được xem như là kết tinh của quá trình suy luận, chứ không phải là nền tảng để từ đó suy luận nên. Bạn xem sự phát triển về định nghĩa của hàm lượng giác sẽ hiểu.

Nhiều nhà khoa học không công nhận triết học có thể làm ra được trò trống gì. Họ cho rằng triết học đã chết. Chết vì nó không còn đem lại tư tưởng gì mới cho nhân loại cả. Tưởng tượng thế này cho dễ: triết học đặt ra vô vàn câu hỏi, và các triết gia cố gắng trả lời cho các câu hỏi đó. Những câu hỏi mà các triết gia có thể đưa ra câu trả lời, ngày nay các nhà khoa học trả lời còn thuyết phục hơn. Những câu hỏi mà các triết gia chưa thể đưa ra câu trả lời, rất nhiều câu các nhà khoa học cũng đề xuất được hướng giải quyết. Còn những câu hỏi mà cả các triết gia và các nhà khoa học đều bí, thì các sản phẩm phụ trong quá trình giải quyết của các nhà khoa học có vẻ vượt trội hơn nhiều lần.

Hồi đó cũng rộ lên chuyện hóa học đã chết. Nó chết, một phần thứ cơ bản nhất của nó – nguyên tử – đã được giải thích bằng vật lý. Phần nữa, quan trọng hơn, là nó đã sống một cuộc đời quá thành công. Nó xâm nhập sâu rộng trong mọi trận địa của khoa học (cơ bản): vật lý, toán học, sinh học. Chính vì vậy, nó cũng bị các ngành kia xâm nhập lại, và rốt cuộc là bị đồng hóa. Kiểu như tiếng Pháp 99% (số này không chắc, nhưng nhớ có lần ông Cao Xuân Hạo có nói vậy :v) là nhập khẩu từ nước ngoài, vậy thì nó có phải là một ngôn ngữ riêng hay chỉ là một tổ hợp tạp nham? Còn người nói tiếng Pháp thì tiếng Pháp còn sống, còn người làm hóa học thì hóa học còn sống. Nhưng những kiến thức mới của hóa học, phần nhiều không còn đến từ những nhà hóa học. Bạn xem danh sách những người đoạt giải Nobel hóa học sẽ thấy đa phần họ đến từ các chuyên ngành khác.

Vậy thì ở đây là gì? Là nên sửa lại là triết học đã trở nên bất lực. Triết học đã trở nên bất lực, vì nó đã không còn đủ khả năng để trả lời cho những câu hỏi mà nó đặt ra. Nhưng như vậy cũng có nghĩa là nó đã sống một cuộc đời quá thành công, vì nó là viên gạch đầu tiên cho sự tiến bộ của nhân loại. Nó đặt câu hỏi, và truyền cảm hứng để chúng ta sống chết với câu hỏi đó. Vì chúng ta sống chết với câu hỏi đó quá nhiều, và quá khổ với sự sống chết đó, nên khi có được câu trả lời từ khoa học, chúng ta sung sướng, thăng hoa, rồi quên luôn kẻ đã đặt câu hỏi đó. (Bạn cứ xem chém gió trên Fb xem, người có câu trả lời đáp ứng được sự mong đợi của nhiều người được like nhiều vô kể, trong khi người đặt câu hỏi chỉ lèo tèo vài like, và sự tương phản đó khiến cho ta có cảm giác là người trả lời thông minh sắc sảo vô ngàn. Nhưng ta lại quên mất rằng không có người hỏi thì sẽ không có người trả lời).

Không! Công lao của triết học không nằm ở chỗ nó có thể trả lời. Công lao của nó nằm ở sự hoài nghi. Sự hoài nghi mọi thứ. Nó đã thành công trong việc gieo rắc sự hoài nghi này đến cho mọi người. Khoa học là những đứa con của triết học. Nó thừa hưởng cái gene hoài nghi của mẹ nó. Mẹ của chúng nay đã già, và đã không còn có thể nuôi sống bọn chúng. Ngược lại, chính bọn chúng phải bỏ tiền bỏ của để nuôi dưỡng lại bà mẹ già. Chúng, trong sự lý tính của chính mình, hiểu rằng không thể bỏ mặc bà già này đến chết được, vì những kẻ triết gia là những kẻ cực đoan về sự hoài nghi, và nhiệm vụ của khoa học là đi tìm câu trả lời, không phải là ngồi đó hoài nghi. Mất đi sự hoài nghi, chúng sẽ giống như đàn mối mất đi mối chúa: đàn mối vẫn sống, nhưng khi những con mối cuối cùng chết đi, tổ mối sẽ chỉ còn lại một nơi hoang văng lạnh lẽo. Chúng, trong sự lý tính của chính mình, sau khi đã giải thích được tình mẫu tử là gì, chợt hiểu rằng chúng là con của mẹ, và chúng yêu mẹ biết bao.
 
 
 
 
 

Người ta nói rằng, triết học giống như cái tử cung vậy. Nó cố gắng lấp đầy bằng các câu trả lời, và khi các câu trả lời này lớn lên thành các đứa con khoa học, nó lại quay về thành một cái dạ trống rỗng còn hơn xưa.
 
 
 
 
 

Lưu ý là bà mẹ triết học khác bà mẹ sinh học nhé. Bà mẹ sinh học thì nuôi mấy cũng chết, nên các đứa con sinh học sẽ có lúc phải đối diện với sự thật này. Bà mẹ triết học thì chỉ không làm được gì thôi, chứ suy nghĩ thì vẫn minh mẫn.

Thế nên, triết học không dành cho những ai muốn có câu trả lời, nó dành cho những ai muốn hoài nghi. Đặt câu hỏi – triết học; tìm câu trả lời – khoa học. Bạn đọc về triết, vì muốn biết thêm về lịch sử tư tưởng của con người, và muốn được hoài nghi.

.
.
.
Tôi đã cố gắng đưa ra một câu trả lời về sự bất lực của triết học. Câu hỏi là: nãy giờ tôi đang làm khoa học hay làm triết học?