Ooker's blog

Tôi và thế giới


Leave a comment

Nữ y tá về hưu chọn ‘cái chết êm ái’ vì sợ tuổi già

Hàng chục năm hành nghề giúp nữ y tá người Anh trải nghiệm về cuộc đời và thấu hiểu nguyện vọng bệnh nhân già lão. Ở tuổi 75, không bệnh tật nghiêm trọng, bà vẫn quyết định sang Thụy Sỹ để được hỗ trợ “chết êm ái”.

Bà Gill Pharaoh là một nữ y tá về hưu. Ngày 21/7 vừa qua, bà tới một trung tâm dịch vụ trợ tử tại Thụy Sỹ và kết thúc sự sống. Người bạn đời chung sống suốt 25 năm vẫn ở bên cạnh lúc đôi mắt bà khép lại vĩnh biệt cuộc đời.

Người chồng John Southall cho biết, vợ mình đã nhiều lần đề cập với gia đình và bạn bè về một ngày nào đó sẽ lựa chọn cách chết êm ái. Quyết tâm này nhen nhóm trong lòng bà vì không muốn thấy mình già yếu đi từng ngày và trở thành gánh nặng cho gia đình, con cái.

Nữ y tá về hưu Gill Pharaoh. Ảnh: CBS News

Nữ y tá về hưu Gill Pharaoh. Ảnh: CBS News

Nữ y tá về hưu, người từng viết hai cuốn sách về cách chăm sóc những bệnh nhân cao tuổi, cũng chia sẻ tâm nguyện trên blog cá nhân có tựa “My Last Words” (tạm dịch là “Những lời cuối”). Bà viết:

“Trong suốt thời gian làm nghề, ban đầu là một y tá đa khoa và sau đó làm tại khu vực chăm sóc giảm thiểu đau đớn, tôi thường xuyên gặp những người cảm thấy cuộc đời mình đã trọn vẹn. Họ không còn muốn tiếp tục chiến đấu cho sự sống. Tôi cũng chứng kiến nhiều người giấu kín tâm tư của mình, vì không muốn bị coi là thiếu ý chí.

Có những bệnh nhân đối diện bệnh hiểm nghèo, tính mạng bị đe dọa. Họ liên tục nghe những lời khuyên hãy kiên cường chiến đấu trong khi thực sự nhiều người trong số họ đã sẵn sàng từ bỏ. Rồi sau đó, khi người thân của bệnh nhân bảo rằng họ đã chiến đấu dũng cảm, bản năng của tôi mách bảo rằng bệnh nhân chỉ chiến đấu để được ra đi một cách thanh thản mà thôi”.

Trong bức tâm thư, nữ y tá cho biết mình vẫn còn khá hoạt bát và khỏe mạnh dù đã bước sang tuổi thất tuần. Song, căn bệnh zona, một chứng tổn thương da, khiến nhiều việc thay đổi. Bà không thể thực hiện những công việc yêu thích như làm vườn hay nấu nướng giống trước kia. Chứng ù tai cũng khiến bà cảm thấy phát điên. Tuy nhiên, nữ y tá cho rằng những chứng bệnh ấy không có gì đáng kể và khẳng định mình không hề trầm cảm vì bệnh tật.

“Tôi cảm thấy cuộc đời mình đã trọn vẹn và tôi sẵn sàng được chết. Gia đình tôi vẫn ổn và hạnh phúc, mọi người có cuộc sống đủ đầy và bận rộn. Bây giờ tôi không thể đi những chặng đường dài, những giờ phút vui vẻ khám phá các con đường của thành phố London, do vậy, chỉ còn là ký ức.

Đơn giản là tôi không muốn tuân theo quy luật già lão của tạo hóa cho tới những ngày cuối cùng, khi chắc chắn tôi sẽ cần rất nhiều giúp đỡ. Tôi cần phải hành động sớm vì không ai có thể thay tôi làm điều đó. Suy nghĩ rằng mình sẽ phải cậy nhờ những đứa con khiến tôi hoảng sợ.

Tôi muốn mọi người nhớ đến mình như bây giờ, dù đây không phải là thời kỳ đỉnh cao, nhưng ít ra tôi vẫn còn là chính mình. Tôi mong gia đình, bạn bè và cả những người xa lạ biết được dự định của tôi sẽ ủng hộ quyết định này mà không phán xét gì. Tôi hiểu sẽ có những phản ứng khác nhau về lựa chọn mình đưa ra, nhưng tôi tin rằng những ai thương mến mình sẽ thực sự vui mừng vì biết tôi đã tránh được tuổi già mà từ xưa đến nay tôi luôn e ngại và lo sợ”, bà viết.

Những lời cuối trong bức tâm thư, bà Pharaoh cũng kêu gọi chính phủ Anh nhanh chóng hợp pháp hóa “cái chết nhân đạo” cho những ai mong muốn. Người phụ nữ tìm tới cái chết êm ái nhấn mạnh, bản thân không khuyến khích hành động này vì điều sai trái.

Quyết định dứt khoát và xúc động của bà đã gây nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận nước Anh, vốn đang có nhiều tranh luận xung quanh dự thảo luật về “cái chết êm ái”. Những người ủng hộ cho rằng quyết định đặt dấu chấm hết cho cuộc đời là quyền tự do của con người cần được tôn trọng. Trong khi đó, bên phản đối lo ngại rằng cho phép trợ tử sẽ dẫn tới những hành động bắt nguồn từ lý do sai trái.

Phát ngôn viên của Care Not Killing, một tổ chức phản đối trợ giúp thực hiện cái chết không đau đớn cho người mắc bệnh nan y phát biểu trên Sunday Times: “Đây là một trường hợp đáng lo ngại. Nó cũng gửi tới thông điệp đau lòng về vấn nạn chăm sóc người cao tuổi tại Anh”.

“Nhiều người cho rằng Pharaoh sai lầm khi muốn trốn tránh tuổi già, nhưng bà ấy đã chứng kiến quá nhiều đau đớn với vai trò một y tá. Bà ấy đã quyết định một cách lý trí khi muốn có cái chết không đau đớn và được bác sĩ trợ giúp”, bác sĩ Micheal Irwin, người giúp bà Pharaoh thực hiện dự định của mình chia sẻ.

Thụy Sỹ là quốc gia coi quyền được chết là một trong những quyền nhân đạo. Trợ tử là hành động được luật pháp nước này công nhận. Điều này đã tạo ra “ngành du lịch trợ tử” khiến chính phủ Thụy Sỹ phải tìm nhiều biện pháp đối phó, khi hàng trăm người ngoại quốc mỗi năm tìm đến đây để được trợ giúp kết thúc cuộc đời một cách không đau đớn.

Khánh Hà (Theo CBS News)

http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/nu-y-ta-ve-huu-chon-cai-chet-em-ai-vi-so-tuoi-gia-3260701.html


Leave a comment

Hổ nhớ rừng

Gặm một mối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua,
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm
Nay sa cơ bị nhục nhằn, tù hãm
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thủa tung hoành, hống hách những ngày xưa.
Nhớ cảnh sơn lâm bóng cả, cây già
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với tiếng thét khúc trường ca dữ dội
Ta bước chân lên dõng dạc, đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm thầm lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
Ta biết ta chúa tể của muôn loài
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới ?
Đâu những buổi bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu!

Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
Những cảnh sửa sang tầm thường, giả dối:
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;
Dải nước đen giả suối chẳng thông dòng
Lẩn lút bên những mô gò thấp kém;
Dăm vừng lá hiền lành không bí hiểm
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.
Hỡi oai linh cảnh nước non hùng vĩ
Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị,
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa
Nơi ta không còn được thấy bao giờ!
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán
Ta đang theo giấc mộng vàng to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi
Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!


Leave a comment

Chìa khóa để học cách phát âm

Truyền thuyết kể rằng, bạn không thể có được giọng chuẩn nếu bạn bắt đầu học sau 7 tuổi, hoặc 12 tuổi, hoặc một độ tuổi nhất định nào đó. Nhưng điều này rõ ràng là không đúng. Các ca sĩ và diễn viên học một giọng mới bất kể độ tuổi, và tính theo trung bình, họ không thông minh hơn những người khác (và khá chắc chắn là họ không bắt đầu học trước 7 tuổi).

Vậy rốt cuộc là sao? Tại sao ai cũng nói là bạn không thể học được cách phát âm tốt khi trưởng thành? Và nếu điều này không đúng, vậy thì cái gì đúng?

Trong bài này, chúng ta sẽ đi vào một nghiên cứu về nhận thức giọng nói và phát âm, và chúng ta sẽ bàn về việc học phát âm một cách hiệu quả khi là người trưởng thành. Nhưng trước khi đi vào vấn đề đó, hãy cho tôi được phép dài dòng một tí.

Sự quan trọng của phát âm

Đây là một chủ đề lớn, và với tư cách là một ca sỹ, đây là một chủ đề vô cùng gần gũi với tôi. Đối với tôi, giọng là một thứ đặc biệt quan trọng.

https://i0.wp.com/fluent-forever.com/wp-content/uploads/2013/05/camera-150x1203.jpg

Đây là một cái fényképezőgép

Theo cá nhân tôi, nếu bạn không học cách nghe được âm thanh của một ngôn ngữ mới, bạn sẽ tốn nhiều thời gian để vật vã nhớ nó. Chúng ta dựa vào âm thanh để hình thành trí nhớ về từ, và nếu bạn thậm chí còn không phân biệt nổi các âm thanh mà bạn nghe, bạn đã gặp bất lợi ngay từ đầu. (Thử nhớ hai từ Hungary này xem: máy ảnh, fényképezőgép  ga xe lửa, vásutállomás . Hai từ này nghe thật kinh dị cho đến khi bạn cảm được tiếng Hung.)

Nhưng ngoài chuyện trí nhớ ra, một giọng phát âm tốt còn làm tăng sự kết nối giữa bạn và người khác. Nó cho những người từ một nền văn hóa khác thấy là bạn không chỉ dành thời gian và công sức để học từ vựng và ngữ pháp của họ, mà còn dành thời gian để học cách họ di chuyển miệng, môi và lưỡi. Bạn biến đổi cơ thể bạn vì họ – bạn cho họ thấy rằng bạn quan tâm tới họ – và chính vì vậy họ sẽ mở lòng vì bạn.

Tôi đã thấy chuyện này nhiều lần khi tôi đi hát hoặc xem biểu diễn tại Châu Âu. Cứ như là một quy luật, bình thường thì khán giả cũng dễ thương, nhưng hễ mà bạn hát bằng tiếng mẹ đẻ của họ, họ lại chuẩn bị lên tinh thần. Họ sẵn sàng cười khích lệ và nói “Tiếng hát nghe thật dễ thương!” hoặc “Nhạc nghe rất hay!”. Nhưng trong thâm tâm, họ đang chuẩn bị tinh thần để bạn băm vằm tiếng nói và văn hóa của mình ngay trước mũi. À, đừng lấy đó làm áp lực nhé.

Ngay lúc đó, nếu bạn làm họ ngạc nhiên bằng một giọng hát chuẩn, họ sẽ mở lòng ra. Đó không còn là nụ cười lịch sự nữa, mà là một nụ cười thật. Bạn cho họ thấy là bạn quan tâm đến họ không chỉ bằng tinh thần, mà còn bằng thể xác, và sự quan tâm này thật khó mà cưỡng lại được.

Nhưng mà thôi, lãng mạn vậy đủ rồi. Giờ làm sao để bạn có thể thật sự làm một cái gì đó để phát âm đây?

Một nghiên cứu về luyện tai và phát âm

Khả năng phát âm chuẩn là một sự tổng hợp của hai kỹ năng chính: luyện tai và luyện miệng. Bạn học cách nghe một âm thanh mới, và bạn học cách tạo lại nó trên miệng. Trong hai kỹ năng, cái đầu tiên là cái khó làm nhất; nếu bạn nghe được một âm thanh, thì rồi bạn cũng sẽ học được cách tạo ra nó một cách chính xác. Nhưng trước khi đạt được điều đó, bạn sẽ phải vất vả (để nghe được). Cho nên bây giờ, chúng ta sẽ tập trung vào luyện nghe.

Khi đang tìm tài liệu cho quyển sách của tôi, tôi bắt gặp một loạt các nghiên cứu tuyệt vời thực hiện bởi James McClelland, Lori Holt, Julie Fiez và Bruce McClandiss, khi họ cố dạy người Nhật trường thành nghe ra được sự khác nhau giữa “Rock” và “Lock”. Sau khi đọc mấy bài báo của họ, tôi gọi điện cho Ts. McClelland và Ts. Holt và phỏng vấn họ về nghiên cứu đó.

Đầu tiên họ phát hiện ra là luyện nghe không đơn giản, đặc biệt khi ngoại ngữ đó chứa hai âm cực kỳ giống như một âm trong tiếng mẹ đẻ của bạn. Trong trường hợp này là tiếng Nhật, âm “R” [ɺ] của họ nằm ngay chính giữa âm R [ɹ] và L [ɫ] trong tiếng Anh Mỹ. Khi bạn kiểm tra người Nhật trưởng thành về sự khác nhau giữa Rock và Lock (bằng cách cho họ nghe thu âm của một trong hai từ này và hỏi họ đây là từ nào), kết quả không khác gì đánh hên xui (50%). Tới đây thì không được khả quan cho lắm.

Các nhà nghiên cứu mới thử hai phương pháp luyện tập. Đầu tiên, họ cứ cho người Nhật trưởng thành nghe RockLock trong một thời gian, và xem xem liệu họ có khá hơn sau khi luyện tập không.

Không.

Tin này rất xấu. Nó cho thấy là tập luyện chẳng có tác dụng gì. Bạn cứ việc nghe RockLock cả ngày (hoặc với người Anh sẽ là 불/뿔/풀 [bul/pul/ppul] trong tiếng Hàn) và bạn sẽ chẳng tìm được sự khác nhau giữa chúng. Cái này chỉ tổ xác nhận cho cái truyền thuyết đã quá trễ để học cách phát âm. Khỉ thật.

Phương pháp thứ hai là khuếch đại một cách nhân tạo sự khác nhau giữa LR. Họ bắt đầu bằng những ví dụ cực kỳ rõ (RRrrrrrrrock), và nếu người nghe có tiến bộ, họ sẽ nâng dần độ khó cho tới khi người nghe đạt được sự phân biệt nhỏ giữa hai bản thu một cách tương đối. Phương pháp này khá hơn chút ít. Những người tham gia bắt đầu nghe được sự khác nhau giữa RockLock, nhưng lại không nghe được sự khác nhau của một cặp từ khác, như RoadLoad. Lại là một ngõ cụt nữa.

Sau đó họ thử cho thêm sự phản hồi, và tất cả mọi thứ liền thay đổi.

Thí nghiệm thêm phản hồi với cặp từ

Họ lặp lại y chang thí nghiệm, chỉ trừ lần này, khi mỗi người tham gia đưa ra câu trả lời (“Cái này là Rock“), màn hình máy tính sẽ nói cho họ biết đúng hay sai (“ding – Chính xác!”). Chỉ trong ba lần, mỗi lần 20 phút sử dụng loại luyện tập này, người tham gia đã thật sự nắm được khả năng nghe RL, trong mọi hoàn cảnh.

Không phải là ngẫu nhiên, khi đây chính là cách ca sỹ và diễn viên học. Tuy ta học có người hướng dẫn chứ không học qua máy, nhưng nguyên lý thì vẫn là một. Ta ngồi kế bên giáo viên luyện giọng và nhờ họ đọc một đoạn chữ. Sau đó ta sẽ đọc to đoạn chữ đó lên, và người giáo viên sẽ chỉ cho biết ta đọc đúng chỗ nào và sai chỗ nào. Họ cho chúng ta sự phản hồi. Họ sẽ nói những điều đại loại như “Không, cái anh nói là siehe, không phải sehe. Siehe…Sehe. Nghe ra không?” Và họ vẫn tiếp tục đưa phản hồi dù cho ta đã gần đạt (“Anh đang nói [một cái gì đó giống ‘sehe’], nhưng không phải sehe.”) Sau khi được hướng dẫn, chúng ta về nhà, nghe lại đoạn thu âm của những buổi tập này, và dùng những đoạn thu này để cho ta thêm nhiều phản hồi hơn.

Có một vài lưu ý cho vấn đề này. Người tham dự không hoàn toàn đạt tới trình độ hoàn toàn nghe được sự khác nhau giữa Rock Lock. Độ chính xác của họ cao nhất chỉ khoảng 80%, so với ~100% như người bản xứ. Tìm hiểu sâu thêm sẽ cho ta biết tại sao.

Chords

Phụ âm có rất nhiều cấu tử khác nhau (gọi là formant). Về cơ bản, một phụ âm rất giống một hợp âm trên piano. Trên một cây piano, nếu bạn chơi một nhóm các nốt nhất định cùng với nhau, bạn sẽ nghe được hợp âm. Đối với phụ âm, nếu bạn tạo một nhóm các nốt (phức tạp hơn), bạn sẽ nghe được một phụ âm. Đây không phải là lối nói ẩn dụ; nếu bạn có một cây piano được máy tính hóa, bạn thậm chí còn có thể dùng nó để phát ra tiếng người.

Người Anh bản ngữ có thể phân biệt được sự khác nhau giữa RL nhờ vào một điểm mấu có tên là formant thứ ba – về cơ bản nó là nốt thứ ba trong bất kỳ hợp âm R hoặc L. Người Nhật bản ngữ tốn nhiều thời gian cho mấu chốt này, và sau khi họ đã vượt qua bài kiểm tra, họ cũng không thật sự nghe được nó tốt hơn. Thay vào đó, họ học cách sử dụng một điểm mấu dễ hơn là formant thứ hai – nốt thứ hai trong hợp âm R/L. Cái này cũng có tác dụng, nhưng không đảm bảo 100%, vì thế giải thích được tại sao họ không thể có được kết quả như người bản ngữ.

Khi tôi nói chuyện với các nhà nghiên cứu qua điện thoại, họ hầu như đã dừng cuộc nghiên cứu này, kết luận là họ không biết làm cách nào để tăng độ chính xác lên trên 80%. Họ cũng khá thất vọng về kết quả này.

Tiềm năng cho tương lai

Nhưng hãy nhìn lại một chút về những gì chúng ta đạt được.

Trong vòng ba đợt, mỗi đợt 20 phút, họ đã hạ gục một trong những thách thức ngôn ngữ khó nhất – học cách nghe một âm mới – và tăng độ chính xác từ 50% (đoán mò) lên đến 80% (không tệ chút nào).

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có công cụ này ở mọi ngôn ngữ? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ta có thể khởi đầu mọi thứ bằng việc nghe thử một vài bài kiểm tra có phản hồi và có một đôi tai có độ chính xác là 80%, trước cả khi chúng ta bắt đầu học phần còn lại của ngôn ngữ?

Chúng ta có những công cụ để luyện theo cách riêng của chúng ta. Tất cả những gì bạn cần là một hệ thống lặp lại sau từng khoảng (spaced repetition system) có hỗ trợ file âm thanh, như Anki, và một bộ tốt các thu âm mẫu của các từ dễ nhầm lẫn (một nhóm các từ như rock/lock, thigh/thy’s niece/knee trong tiếng Anh, hoặc sous/su, bon/ban’s huis/oui’s trong tiếng Pháp). Cái này tốn nhiều công để làm, nhưng nó chỉ cần được làm một lần, sau đó cả cộng đồng sẽ được hưởng lợi.

Nên là tôi sẽ làm điều đó.

Phát âm cực kỳ quan trọng, và giải pháp này thật giá trị để đợi cho một công ty lớn nào đó chịu làm. Trong vòng 9 tháng tới, tôi sẽ bắt đầu tạo các danh sách từ mẫu tốt, thu âm chúng và xây dựng các bộ từ (trong Anki). Tôi sẽ tuyển những người song ngữ, vì nhờ có họ, ta sẽ có những bản thu để học sự khác nhau không chỉ ở hai từ trong ngôn ngữ đích, mà còn ở hai từ giữa ngôn ngữ đích và ngôn nữa mẹ đẻ của bạn (sous vs Sue). Tôi có được ý tưởng này nhờ Ts. McClelland, và ông cho rằng nhờ cái này ta sẽ học còn tốt hơn nữa (eo, ta sẽ có thể có khả năng phá vỡ rào thế 80%). Và tôi sẽ làm một vài bản beta mở để chỉnh cho tới lúc học nó vừa có hiệu quả lại vừa vui.

Hi vọng là, với đúng công cụ, ta sẽ đưa truyền thuyết “đã quá trễ để học phát âm” vào dĩ vãng. Ta cũng sẽ có nhiều thảnh thơi hơn khi học ngôn ngữ, và ta cũng sẽ dễ dàng hơn để thuyết phục mọi người quên đi tiếng mẹ đẻ của chúng ta và nói bằng thứ tiếng của họ (tác giả có tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ).

Dịch từ Fluent Forever, The Key To Learning Pronunciation, 5/12/2013.


Leave a comment

Adrenaline

Trong vài giấc mơ điên dại nhất, tôi đã toan tự tử.

Gọi là toan, vì chưa lần nào tôi dám nhảy xuống. Khi mở mắt ra, tôi thấy mình vẫn còn sống, hai bàn tay mồ hôi tràn trề. Cảm thấy mình thật hạnh phúc, vì trong cơn điên dại vì khát adrenaline, tôi vẫn còn giữ được lý trí của mình. Nghĩ lại, thật hãi hùng: mình đã có thể chết. Còn sống là một điều thật kỳ diệu.

Nhưng cái cảm giác thèm thuồng thì vẫn còn đó.

Ta không muốn chết, nhưng lại thèm được thử thách cái chết.

Nhiều người đã chết trong mơ, và họ kể rằng lúc chết thật ra không đau đớn. Lúc ấy, mình sẽ ý thức được là mình đang mơ, và sẽ điều khiển được chính mình trong mơ. Lần đầu tiên, chúng ta được giải phóng thực sự khỏi tù túng thể xác, khỏi xiềng xích trọng lực. Tinh thần của ta được sống giữa những phép nhiệm màu. Những giấc mơ siêu thực.

Những kẻ dưới đây thật điên dại. Nhưng họ không khờ dại. Đừng lo cho rằng đi đêm lắm có ngày gặp ma, một ngày họ sẽ tuột tay. Không có chuyện đó đâu. Hơn ai hết, chính họ là những kẻ mong mình tuột tay. Và rơi xuống thành phố lởm chởm kia.


Leave a comment

Chiếc bè của chiến thuyền Méduse

“Chiếc bè đã đưa những kẻ sống sót tới giới hạn trải nghiệm của con người”

Nghiên Cứu Lịch Sử

radeaumeduse

Phạm Việt Hưng

“Chiếc bè đã đưa những kẻ sống sót tới giới hạn trải nghiệm của con người”
—Jonathan Miles

Vụ đắm con tầu Méduse cách đây gần 2 thế kỷ là một sự kiện vô cùng thương tâm, bi thảm, khủng khiếp và rùng rợn, hoàn toàn do tội của con người gây ra. Tội lỗi ấy có thể đã được che đậy vĩnh viễn trong bóng tối nếu nó không bị phơi bầy ra giữa thanh thiên bạch nhật bởi tác phẩm hội hoạ “Chiếc bè của chiến thuyền Méduse” (Le Radeau de la Méduse/The Raft of the Medusa) của Théodore Géricault – một bức tranh làm người xem kinh hãi, xôn xao bàn tán về sự thật đằng sau nó, những kẻ chịu trách nhiệm bị nguyền rủa, sự phẫn nộ bùng nổ thành một vụ “scandal” chấn động nước Pháp và thế giới…

View original post 5,684 more words


Leave a comment

Mục tiêu đào tạo tiến sĩ: Xưa và Nay

Tiến cử, gồm “tiến” và “cử” là hai mức tôn vinh khác nhau. Nước ta chưa có chữ, do vậy “người được cử” (tiếng Việt) nếu gọi theo chữ Hán (để có thể ghi vào văn bản, sổ sách) sẽ là Cử Nhân – đã đủ vinh dự. Cử nhân, nếu xuất sắc, còn được tiến dẫn lên tận vua, do vậy danh xưng phải khác. Thế là, “cử” được thay bằng “tiến” (để thêm trang trọng); và “nhân” được thay bằng “sĩ” (để tăng tôn vinh). Đó là xuất xứ của từ ngữ Tiến Sĩ và Cử Nhân, được dùng tới nay.

Nghiên Cứu Lịch Sử

Một đám rước vinh quy bái tổ (Lều chõng ngày xưa)Một đám rước vinh quy bái tổ (Lều chõng ngày xưa)

Nguyễn Ngọc Lanh

Vài lời ngoài bài

Cảm hứng để viết bài này là một tin thời sự hôm nay (02-7-2015) trên báo Vietnamnet, nói rằng Cán bộ Hà Nội có hơn 4.000 tiến sĩ, thạc sĩ. Có thể hiểu: Trong số cán bộ của Hà Nội đang có 4.000 người vốn được đào tạo để làm nghề nghiên cứu khoa học, nay bỏ nghề, để làm nghề khác – chẳng liên quan gì tới mục tiêu đào tạo. Tiến sĩ được đào tạo để nghiên cứu khoa học, diễn viên được đào tạo để biểu diễn trên sân khấu. Thợ nề thì xây tường. Phi công thì lái máy bay… Câu hỏi: Nếu các đối tượng này khi ra trường lại làm “cán bộ” thì sẽ ra sao?

Để trả lời, xin so sánh…

View original post 3,762 more words


Leave a comment

​Hai người đàn ông và một đứa trẻ

Cuộc sống vốn trúc trắc khó lường nên những bi kịch như thế này vẫn thường xảy ra. Nhưng có lẽ những người trong cuộc, và ngay cả hệ thống tư pháp, nên có những lựa chọn thích đáng hơn về cách xử sự để giảm thiểu rắc rối, hướng đến một đoạn kết nhân văn và hợp lẽ hơn.

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Vợ vừa mồ yên mả đẹp chưa được bao ngày, anh Đ.V.L. được người đàn ông tên là N.P.V. (49 tuổi, ngụ Q.2, TP.HCM) từng làm trong cửa hàng kinh doanh của mình mời đi uống cà phê. Ly cà phê chưa kịp uống xong, người đàn ông đó cất lời: “Đứa trẻ do vợ anh sinh ra là con tôi!”.

Sau câu nói đó là câu chuyện tranh chấp pháp lý liên quan đến yêu cầu xác định cha con kéo dài từ năm 2013 đến nay vẫn chưa ngã ngũ.

Tôi quá bàng hoàng

Người đàn ông tên là Đ.V.L. nói anh và người vợ đã qua đời yêu thương nhau nhất mực, anh chưa bao giờ mảy may nghi ngờ về tình cảm hay lòng chung thủy của vợ – người cùng anh từ quê ra thành phố học hành, lập nghiệp.

“Chúng tôi chung lưng đấu cật vượt qua từ khó khăn này đến khó khăn khác để mở được hai cửa hàng kinh doanh. Rồi vợ tôi sinh cho tôi một cô con gái kháu khỉnh. Công việc làm ăn đang tốt thì vợ tôi đổ bệnh, từ khi phát hiện đến khi cô ấy mất chỉ vài tháng.

Chỉ vài tháng sau đó, người làm công trong cửa hàng nói rằng con tôi là con ruột của anh ta” – anh L. kể về những rắc rối phát sinh với mình. “Tôi chịu đựng sự khủng hoảng, hai cửa hàng giờ chỉ còn một, một mình tôi vừa chăm con vừa lo cho cửa hàng.

Sau đó, anh V. khởi kiện, yêu cầu tôi trả quyền nuôi dưỡng, chăm sóc đứa bé cho anh ta. Anh ấy vốn được vợ chồng tôi trả lương để làm việc ở cửa hàng, trong quan hệ hằng ngày không có gì bất thường khiến tôi đặt dấu hỏi hay sự nghi ngờ về lòng chung thủy của vợ tôi” – anh L. kể.

Nén xúc động, anh L. kể tiếp: “Khi V. nói điều đó với tôi, bé N. (con gái tôi) mới 2 tuổi. Một đứa bé vừa mất mẹ, còn chưa ý thức được nỗi mất mát lớn lao ấy nên tôi vừa làm cha, vừa làm mẹ bù đắp tình cảm thiếu thốn cho con, chăm sóc nuôi dưỡng cháu.

Nghe những lời thốt ra từ miệng V., tôi đứng dậy bỏ đi, vì nếu tôi không kiềm chế, sợ rằng đã có điều gì đó không hay xảy ra. Sau khi đưa ra yêu cầu trả con nhưng không được tôi đáp lại, V. đưa đơn ra tòa, yêu cầu tòa tuyên bé N. là con ruột của V. và yêu cầu tôi phải giao bé N. cho anh ta chăm sóc.

Đến nay, gần hai năm vụ kiện diễn ra, không biết bao nhiêu lần tôi bị tòa mời lên làm việc, phiền phức vô cùng, trong khi vẫn một mình chăm con, vẫn phải lao động kiếm tiền nuôi cháu.

Trong một lần hòa giải tại tòa, tôi nói với V., nếu thật sự yêu thương đứa bé, anh có thể đến thăm, cùng tôi chăm sóc và nuôi cháu trưởng thành, khi bé lớn, có đủ nhận thức thì cháu sẽ tự biết nhận ai là cha ruột. Nhưng V. không chịu, cương quyết kiện đến cùng, rồi tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) đối với tôi, buộc tôi phải đưa con đi lấy mẫu giám định ADN”.

Tôi rất xót xa

Ông N.P.V., nguyên đơn của vụ kiện, cho biết ông làm việc cùng chị P. trong chuyện kinh doanh, vợ chồng chị P. là người trả lương tháng cho ông. “Chúng tôi quý mến và thân thiết với nhau, nhiều chuyện vui buồn P. đều kể với tôi hết.

Tuy nhiên, sau đó chúng tôi đi quá giới hạn của bạn bè”. V. cho biết trước khi qua đời, chị P. có đưa cho ông giấy khai sinh của bé và bảo ông mang đi xét nghiệm ADN: “Dù cô ấy không nói với tôi đó là con tôi nhưng với việc yêu cầu tôi đi xét nghiệm ADN, tôi hiểu cô ấy muốn nói gì”.

Ông V. cho biết khoảng tháng 9-2012, ông tự lấy mẫu tế bào của bé N. và chính mình đi xét nghiệm ADN, kết quả tương thích đến 99,99%. “Tôi rất xúc động với điều này, bởi tình cảm thiêng liêng cha và con, tôi đã nói với P. về kết quả, cô ấy dặn tôi hãy chăm sóc và nuôi dưỡng đứa trẻ với trách nhiệm của người cha” – ông V. kể.

“Tôi rất xót xa khi không được trực tiếp chăm sóc và yêu thương, dạy dỗ cháu nên đề nghị L. giao lại đứa bé cho tôi. Nhưng vừa nghe tôi nói xong, L. đứng phắt lên bỏ đi. Từ đó tôi không thể tiếp xúc với L. cũng như với bé N.. Hằng ngày tôi chỉ được quan sát bé N. từ xa bằng cách đi theo người chở cháu từ trường học về nhà hoặc ngược lại. Nhiều hôm đi gần con, muốn được ôm con mà không được, tôi đau xót lắm” – ông V. kể.

“Mong muốn lớn nhất của tôi bây giờ là được gần gũi chăm sóc bé. Từ ngày khởi kiện L. đến nay cũng đã gần hai năm, cũng không biết đến khi nào thì vụ kiện mới xong” – ông V. nói và khẳng định nếu được giao quyền nuôi con, ông tự tin mình hoàn toàn có thể chăm sóc cho bé N. tốt nhất.

Tòa đã làm gì?

Tháng 10-2013, ông N.P.V. gửi đơn lên TAND Q.4 yêu cầu xác định cháu N. (sinh năm 2010) là con ruột của ông, kèm đơn là biên bản giám định ADN (do một trung tâm phân tích ADN xác nhận) xác định ông V. và bé N. là cha con. Tòa xác định đây là vụ án dân sự hôn nhân và gia đình “xác định cha cho con” đồng thời xác định ông Đ.V.L. (40 tuổi, ngụ Q.4), hiện là cha hợp pháp của cháu N., là bị đơn.

Tháng 1-2014, TAND Q.4 căn cứ điều 115 Bộ luật tố tụng dân sự ra quyết định áp dụng BPKCTT buộc ông L. đưa cháu N. đến Phân viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) tại TP.HCM để lấy mẫu giám định ADN. Tuy nhiên, ông L. không chấp nhận đưa bé N. đi lấy mẫu xét nghiệm.

Tháng 4-2014, Chi cục Thi hành án dân sự Q.4 ra quyết định cưỡng chế thi hành án nhưng vẫn không thi hành được. Ngày 1-6-2015, TAND Q.4 ra quyết định hủy bỏ BPKCTT. Song ngày 2-6-2015, TAND Q.4 tiếp tục ra quyết định áp dụng BPKCTT mới, buộc ông L. phải đưa bé N. đến Trung tâm pháp y thuộc Sở Y tế TP.HCM để cung cấp mẫu vật tiến hành giám định ADN.

Ngày 15-6-2015, tòa này cũng ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ kiện để chờ kết quả giám định ADN của bé N. và ông V..

Góc nhìn của các luật sư

Theo ông Phạm Công Hùng – nguyên thẩm phán TAND tối cao, trong vụ kiện “xác định cha cho con” này, căn cứ vào yêu cầu khởi kiện của ông V. cho thấy về mặt tố tụng, TAND Q.4 đã xác định sai bản chất của vụ kiện và xác định sai đối tượng kiện.

Đơn khởi kiện của ông V. gồm hai yêu cầu: công nhận là cha con giữa ông V. và cháu N., yêu cầu tòa giao quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cháu bé cho ông. Tuy nhiên, trên giấy khai sinh của cháu bé, tên cha là ông L., mà hôn nhân của ông L. và mẹ cháu bé là hợp pháp.

Như vậy, dựa vào yêu cầu khởi kiện của ông V., yêu cầu xác định bé N. là con mình, bản chất thật sự của vụ án này là “xác định con cho cha mẹ”. Vấn đề này trong Luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định tại khoản 1 điều 64, Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định tại khoản 1 điều 89: “Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu tòa án xác định người đó là con mình”.

Do đó, đối tượng để ông V. “kiện” ở đây chính là đứa trẻ chứ không phải là ông L.. Tuy nhiên, do đứa trẻ còn quá nhỏ nên không thể tham gia vụ kiện, bé cũng chưa thể “từ chối” hay “nhận” cha theo yêu cầu của ông V.. Đứa trẻ và người giám hộ của cháu (ông L.) không yêu cầu xác định cha cho bé, nên việc tòa dựa vào đơn của ông V. và xác định ông L. là bị đơn là sai đối tượng bị kiện.

Và xét về bản chất vụ tranh chấp, do đây là án dân sự, nguyên tắc người khởi kiện (tức là ông V.) phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, không thể buộc người khác cung cấp chứng cứ.

Ông Hùng cho rằng về góc độ xã hội, những vụ kiện như thế này không chỉ khiến một gia đình mà có thể có nhiều gia đình lâm vào bi kịch, gây chia rẽ và mất mát tình cảm nghiêm trọng nếu các bên không tìm được giải pháp ngoài tòa án mà xử sự với nhau cho thấu tình đạt lý.

Còn theo TS Lê Minh Hùng – khoa dân sự Trường đại học Luật TP.HCM, trong vụ việc này có hai vấn đề xung đột với nhau: quyền được yêu cầu tòa án xác định con cho mình của ông V. và quyền bất khả xâm phạm về thân thể của bé N. – thuộc nhóm quyền nhân thân đã được Hiến pháp và luật bảo vệ.

Đối với quyền yêu cầu tòa xác định con cho mình, ông V. có nghĩa vụ cung cấp bằng chứng chứng minh mình là cha, ông L. không có nghĩa vụ cung cấp bằng chứng. Việc tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời yêu cầu ông L. phải cung cấp mẫu để giám định ADN là vi phạm quyền nhân thân của bé N..

Hành vi cưỡng chế một đứa trẻ để lấy mẫu giám định gây hoang mang và làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của trẻ sau này. Trong trường hợp này, ông L. đang là cha hợp pháp của trẻ, nên ông có nghĩa vụ bảo vệ quyền nhân thân và quyền bất khả xâm phạm đối với thân thể của bé N..

“Xét về bản chất, đây là vụ án “truy nhận con”. Bộ luật dân sự (điều 43 về quyền nhận, không nhận cha, mẹ, con, khoản 1) quy định: Người không được nhận là cha, mẹ hoặc là con của người khác có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định mình là cha, mẹ hoặc là con của người đó”.

Như vậy, việc ông V. gửi đơn đến tòa án để nhờ giải quyết, xác định bé gái N. là con của mình là thực hiện “quyền” của ông. Vì vậy mà tòa quận 4 đã thụ lý.

Nhưng về mặt tố tụng, do đây là vụ án dân sự nên nguyên tắc chung là nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự: ông V. phải có chứng cứ chứng minh cháu bé là con của mình thì mới được tòa công nhận cháu là con ông V..

Hiện nay, chứng cứ để xác định quan hệ huyết thống cha – con chính xác nhất có lẽ là kết quả giám định ADN. Nên ông V. phải có được chứng cứ này cung cấp cho tòa, muốn vậy ông V. phải có được “mẫu vật” lấy từ cơ thể cháu bé (máu, tóc…).

Theo hồ sơ, ông V. đã cung cấp một bản kết quả giám định ADN nhưng đây là chứng cứ do ông tự đi giám định nên “không có giá trị tố tụng”. Do vậy, để kết quả giám định được sử dụng làm chứng cứ phải có quyết định trưng cầu giám định của tòa án.

Luật cũng quy định trong trường hợp đương sự không thể có được chứng cứ thì có quyền yêu cầu tòa thu thập giúp. Theo đó, tòa sẽ ra quyết định yêu cầu cung cấp chứng cứ – gửi cá nhân, tổ chức đang giữ chứng cứ đó. Đến đây, tòa đã làm đúng.

Nhưng việc tòa áp dụng “biện pháp khẩn cấp tạm thời” là sai, do trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà luật quy định, không có chuyện phải giao một “mẫu vật” trên cơ thể người, chưa kể đây là thân thể của một cháu bé, việc “cưỡng chế” hay “ép buộc” đều không đúng luật. Đây là vụ án dân sự chứ không phải hình sự.

Tuy nhiên, dù đau lòng hay tức giận, người lớn cũng cần có trách nhiệm hợp tác xác định sự thật cháu bé là con ai. Vấn đề là ở sự lựa chọn thời điểm, có thể đợi khi cháu N. đã trưởng thành, tránh tổn thương, gây hại cho cháu. Bởi vấn đề này thuộc phạm trù đạo đức hơn là pháp luật.

LS Trần Hồng Phong

HOÀNG ĐIỆP


Leave a comment

Ảo thuật

Ngồi nhai sing-gum, bắt chuyện với mọi người, tôi đang ngồi chờ để được gọi vào phỏng vấn học bổng VEF. Trước đó, tôi đã áp dụng các thủ thuật tâm lý (ăn mặc đẹp, đứng tư thế thủ lĩnh, nhìn vào gương để nhìn thấy sự quyết tâm trong đôi mắt của mình), tôi bước vào phòng phỏng vấn, tin chắc là mình sẽ chiến thắng. Tôi sẽ chiến thắng.

Tôi là con sư tử, là chúa tể muôn loài. Tôi là nhà ảo thuật, là kẻ làm mê hoặc lòng người. Đôi chân run run khi bước lên sàn diễn, nhưng tin chắc là chiến thắng sẽ thuộc về mình. Khán giả của tôi ngồi đó, hai vị giáo sư, một ông, một bà. Họ bắt tay tôi, như những vị khán giả ngồi dưới vỗ một tràng pháo tay nhẹ nhàng. Hít một hơi, tôi đưa ra tiết mục đầu tiên:

Xin chào mọi người lần nữa, tôi tên là Nhật. Tôi đến từ trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM. Tôi theo đuổi vật lý sinh học vì tôi thích cả vật lý và sinh học. Vật lý giúp tôi giải thích thế giới bên ngoài con người mình, sinh học giúp tôi giải thích thế giới bên trong con người mình. Vì vậy tôi thích vật lý sinh học là điều dễ hiểu. Ngoài ra ngành này còn đòi hỏi những kiến thức bên ngoài như toán. lập trình, mạng máy tính.

Đây là tiết mục khởi động, như chuyện hô biến con thỏ trong lồng kính mà thôi. Nghe có vẻ hay đấy, nhưng ai cũng nói được. Khán giả lão luyện lắm, họ sẽ đòi lại tiền vé (ở đây là không chịu cho mình tiền) nếu chỉ dừng lại ở đó. Họ thăm dò:

Tôi thấy trong bài luận của anh có nói về một thứ… À mà thôi, cái đó để sau cũng được. Anh hãy nói về đề tài về HIV của anh đi.

Sự ngập ngừng đấy, thật tuyệt vời. Vậy là cá đã cắn câu. Tất nhiên, cá phải vùng vẫy cái đã.

Vâng, đề tài nghiên cứu của tôi là về con protease trong HIV. HIV muốn trưởng thành phải nhờ đến protease này cắt một chuỗi polypeptide. Để liên kết được với chuỗi này, protease sẽ dùng lực tĩnh điện. Đề tài của tôi sẽ là khảo sát loại lực này khi thuốc liên kết với các thể đột biến khác nhau.

Nhị vị khán giả hỏi rất kỹ lưỡng. Họ không phải dạng vừa đâu. Họ hỏi về tại sao tôi lại áp dụng phương trình Poisson – Boltzmann cho hệ này, về cơ sở dữ liệu của những thể đột biến này, điểm yếu chết người của đề tài là không có chạy cấu hình cho protease sau khi cắt phối tử khỏi file pdb. Về kết quả của đề tài, về tiềm năng của nó. Ai là người chọn đề tài này: tôi hay là người hướng dẫn? Trong đề tài này đóng góp của từng người như thế nào? Rất nhiều, rất kỹ.

Và rồi thì họ cũng không kiềm chế được sự tò mò:

Anh có nói là anh có một đề tài về tình yêu? Nghe thú vị đấy, anh có thể nói về nó được không?

Tôi sốt sắng đứng lên bảng thuyết trình. Tôi biết, tới đây tôi đã thắng.

.

.

.

.

.

Chuyện đằng sau không còn cần phải kể nữa. Tôi đưa ra màn cao trào của riêng mình. Tôi thao thao bất tuyệt trong sự ngạc nhiên của họ về những gì tôi biết.

Tôi không muốn nghĩ là mình đặc biệt, vì biết rằng khi kiêu ngạo, con người sẽ trở nên ngu dốt và mù quáng. Nhưng từ sự quan sát mà tôi đã cố gắng khách quan nhất có thể, tôi nghĩ là tôi có sự khác biệt. Vì tôi là một người trưởng thành trẻ thơ (the childish mature). (Nhưng thôi, lạc chủ đề rồi. Chuyện này tính sau.)

Ai cũng từng là một đứa trẻ. Nhưng một người trưởng thành ngày nay khác hẳn một người trưởng thành cách đây vài chục ngàn đến một triệu năm trước: tất cả họ là những người to xác nhưng đầu óc thì vẫn là con nít. Mà con nít thì rất ham hiểu biết.

Tôi chỉ đơn giản là đánh vào sự ham hiểu biết đó. Tôi đưa cho họ một inception, một ý tưởng nguyên thủy, và để mặc ý tưởng đó nảy nở ra và định hình họ. Tôi cấy vào đầu họ một meme, một đơn vị ý tưởng, và để mặc con virus độc hại đó phát tán trong căn phòng.

Ảo thuật của tôi, chỉ đơn giản là kiến thức.

Chà, xém nữa thì quên. Mọi nhà ảo thuật đều phải có phụ tá. Để làm được những điều kinh ngạc, ta phải có một khả năng cũng kinh ngạc không kém. Mà khả năng kinh ngạc không kém thường có nghĩa là vượt quá khả năng của một người. Muốn làm việc quá sức mình, thì bắt buộc phải có người trợ giúp. Sẽ thật thiếu công bằng nếu chỉ nhận vơ hết vào mình.
Người đó, tính tới thời điểm này, là mẹ tôi.