Ooker's blog

Tôi và thế giới


Leave a comment

“Phụ nữ Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều áp lực”

“Nếu phụ nữ có thiên chức làm mẹ thì nam giới có thiên chức là giúp phụ nữ sinh con đẻ cái. Chẳng có gì đặc biệt trong thiên chức của người phụ nữ cả. Đừng thần thánh hóa thiên chức, đừng đặt phụ nữ “lên bàn thờ” để ràng buộc họ”, TS. Khuất Thu Hồng chia sẻ.

Tại buổi thảo luận về chủ đề “Phụ nữ có cần thành đạt” diễn ra chiều 29/11 tại Hà Nội, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) đã chia sẻ những quan điểm thẳng thắn về sự nghiệp, thành đạt, hôn nhân và tình dục của phụ nữ dưới lăng kính của giới và nữ quyền.

Đàn ông cũng có thiên chức

Chia sẻ về các rào cản trên con đường thành công của phụ nữ, TS. Khuất Thu Hồng cho rằng phụ nữ Việt đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực, áp lực từ xã hội và chính họ cũng đang tự tạo áp lực cho mình. Đặc biệt là áp lực kết hôn, phải có gia đình, phải có con cái.

“Ở Mỹ, nhiều phụ nữ kết hôn muộn, thậm chí không kết hôn. Còn ở Việt Nam thì kết hôn là điều gì đó nhất định phải xảy ra ở phụ nữ. Là người phụ nữ dù có thành đạt, giỏi giang bao nhiêu đi chăng nữa mà không kết hôn, không có con cái thì với xã hội chẳng có nghĩa lý gì. Gia đình, con cái được coi là nền tảng của phụ nữ. Có nhất thiết phải kết hôn ở một độ tuổi nào đó hay không? Nhất thiết phải có hai thứ sự nghiệp và hôn nhân hay không?”, bà Hồng chia sẻ.

phụ nữ, đàn ông, bình đẳng giới, thành đạt
TS Khuất Thu Hồng.

“Đôi khi chúng ta đang cường điệu hóa giá trị phương Đông, cứ cho rằng người châu Á coi trọng giá trị gia đình hơn người phương Tây. Nhưng phương Tây họ cũng yêu quý gia đình mình lắm, quan tâm một cách chân thực, thực lòng. Còn châu Á đôi khi quan tâm là trình diễn vì chúng ta chịu áp lực phải hiếu thảo, muốn chứng tỏ chúng ta đề cao giá trị của gia đình. Thần thánh hoá gia đình là chúng ta tự tạo áp lực cho mình và tự tạo áp lực cho nhau”, bà nói thêm.

Theo vị chuyên gia nghiên cứu về giới này, phụ nữ Việt bị trói buộc bởi “thiên chức” làm mẹ nên tài năng, ước vọng của phụ nữ thường bị ưu tiên cho gia đình, con cái nhiều hơn là ước vọng của bản thân. Đó chính là rào cản của người phụ nữ.

“Tôi rất dị ứng với từ thiên chức. Phụ nữ và nam giới khác nhau ở đặc điểm sinh học. Tại sao lại nhấn mạnh vào sự khác biệt đó trong khi chúng ta biết rõ khác biệt là một thực tế. Nếu phụ nữ có thiên chức làm mẹ thì đàn ông cũng có thiên chức cao cả là giúp phụ nữ sinh con đẻ cái”, bà Hồng nói.

“Phụ nữ luôn muốn là người hoàn hảo: cái gì cũng giỏi, cán bộ giỏi ở cơ quan, người mẹ, người vợ đảm ở nhà. Phụ nữ ở Việt rất sợ bị chê trách là thiếu chu đáo, không đảm đang, là lười, là đoảng. Nếu cứ chạy theo những thứ đó thì không bao giờ làm được gì cả. Đừng mơ tưởng mình trở thành một người hoàn hảo, mà hãy chọn thứ mình thích nhất để tập trung làm cho tốt”, bà Hồng chia sẻ thêm.

Trước câu hỏi “Phụ nữ có cần hy sinh cho con cái hay không?”, TS. Hồng cho rằng các bà mẹ cứ tưởng là mình phải hy sinh, nhưng chưa chắc con cái đã cần đến sự hy sinh đó, thậm chí nó còn trở thành gánh nặng với con cái.

“Quan niệm đạo đức của người Việt cho rằng người mẹ phải hy sinh một cách vô điều kiện cho con cái của mình. Nhưng những đứa trẻ biết suy nghĩ thì nó cảm thấy rất nặng nề khi biết mẹ phải hy sinh cho mình, nó cảm thấy sự hy sinh đó là vô lý, không cần thiết. Những bà mẹ góa sớm từ chối hạnh phúc cá nhân để toàn tâm toàn ý cho con. Những bà mẹ từ bỏ sự nghiệp cá nhân ở nhà chăm sóc con cái. Các con không cần đến sự hy sinh theo kiểu mất tất cả như vậy. Khi hy sinh tất cả là người mẹ kỳ vọng rất nhiều ở con, hy vọng lớn lên con sẽ đền đáp. Và khi sau này con cái không thể thực hiện thì sẽ thành nỗi thất vọng cho cả hai”, bà lý giải.

Bình đẳng không phải chia thế giới làm đôi!

Theo vị Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, cái cốt lỗi của đấu tranh cho bình đẳng giới là để thế giới đa dạng, phong phú hơn, là để phụ nữ và nam giới đều có cơ hội phát huy hết khả năng của mình.

“Bình đẳng không phải là chia thế giới này làm đôi, tôi làm như vậy anh cũng làm như vậy, anh hưởng như vậy tôi cũng hưởng như vậy. Bình đẳng là tạo cơ hội để cả hai giới phát huy hết khả năng của mình, thấy hết được vẻ đẹp của nhau. Bình đẳng là tạo cơ hội để một nửa quyền lực được trao vào tay phụ nữ, và tạo điều kiện để một nửa công việc gia đình được chia sẻ cho đàn ông”, bà Hồng nói.

Ở Việt Nam, nhiều người cho rằng, đối với phụ nữ thì lập gia đình là cánh cửa sự nghiệp đóng lại. Bà Hồng chia sẻ rằng, thực tế đó có thật, ngay cả ở cơ quan bà, có những người khi mới vào nghề thì rất hăm hở, giớ lấy chồng có con thì rất an phận thủ thường. Rõ ràng họ đã mất đi nhiều cơ hội.

“Cánh cửa thành công chẳng bao giờ đóng sập trước mặt ai nếu chúng ta không cam chịu. Đóng lại hay mở ra phụ thuộc vào bạn có coi trọng sự nghiệp hay không. Như bản thân tôi kết hôn năm 22 tuổi, tôi vừa đi học đại học vừa nuôi con, ru con ngủ rồi tôi mới ngồi vào bàn học, học đến 2 giờ sáng. Khi làm luận án tiến sĩ thì con thứ 2 của tôi cũng mới 2 tuổi”, bà thẳng thắn chia sẻ.

Bà Hồng cho rằng, phụ nữ Việt Nam rất thích được chiều chuộng, nhưng chính sự ngây thơ hay giả vờ ngây thơ của phụ nữ lại mất điểm trong mắt đàn ông và khiến đàn ông Việt ngày càng gia trưởng hơn.

“Phụ nữ Việt rất thích được chiều chuộng, thích được coi mình là em bé. 30-40 tuổi vẫn tỏ ra ngây thơ, nhí nhảnh, bé bỏng đòi hỏi sự chiều chuộng. Hình như người ta nghĩ như vậy sẽ nữ tính hơn. Người ta cứ cho rằng là phụ nữ phải biết nhõng nhẽo một tí, cái gì cũng biết làm thì đàn ông sợ. Người ta sợ một người phụ nữ thành công độc lập sẽ không còn nữ tính nữa. Độc lập không có nghĩa là ăn thua cho bằng được, độc lập là không ỉ lại, làm những việc mình có thể làm được không làm phiền người khác”, bà phân tích.

Phụ nữ thành đạt có cô đơn không?

“Đẳng sau một người đàn ông thành đạt là một người phụ nữ đảm đang, đằng sau một người phụ nữ thành đạt là một gia đình tan hoang”, TS. Hồng mở đầu câu trả lời bằng câu truyền miệng vui nhưng rất sâu cay. Người ta cứ nghĩ rằng, phụ nữ thành đạt thì cuộc sống riêng sẽ không hạnh phúc, sẽ cô đơn. Nhưng bà nghĩ khác: “Cô đơn và thành đạt không đi liền với nhau. Tiểu thuyết thường mô tả phụ nữ thành đạt là cô đơn, tôi nghĩ những người thất bại cũng cô đơn không kém. Cô đơn hay không phụ thuộc vào cách chúng ta sống chứ không phụ thuộc vào thành đạt”.

“Có một thực tế đang xảy ra là những người phụ nữ chuyên tâm đến sự nghiệp thì rõ ràng họ đã bỏ qua thời thanh xuân. Đàn ông sợ phụ nữ độc lập vì trong tư tưởng của họ, họ phải là người cầm trịch trong gia đình, trong mối quan hệ của mình. Họ sợ rằng phụ nữ thành đạt thì không lo được cho gia đình, con cái”, bà Hồng nói thêm.

Theo bà Hồng, đằng sau một người phụ nữ thành đạt hạnh phúc là một người bạn đời. Người nữ vừa có sự nghiệp vừa có gia đình yên ấm liên quan rất nhiều đến người bạn đời. Người chồng phải là “người bạn đời” chứ không phải là người anh, người cao hơn vợ một cái đầu. Họ phải biết chia sẻ, biết tự hào với thành công của vợ chứ không phải là nỗi sợ “lép vế” như cảm xúc của phần nhiều đàn ông Việt hiện tại.

Với câu hỏi cho rằng, phụ nữ tài giỏi, thành công trong sự nghiệp nhưng gặp trục trặc trong cuộc sống hôn nhân thì có được cho là thành đạt hay không. Vị chuyên gia này cho rằng: “Thành đạt và hạnh phúc là 2 phạm trù khác nhau. Thành đạt là thành đạt. Phụ nữ thành đạt trong công việc là một phụ nữ thành đạt. Còn có hạnh phúc hay không thì là cảm nhận riêng của họ”.

Kim Minh – Vietnamnet