Ooker's blog

Tôi và thế giới


Leave a comment

Suy nghĩ về mẹ. Suy nghĩ về mèo.

Nếu tôi nói với mẹ rằng hãy kệ xác con đi, con đã có thể tự sống được rồi, mẹ có thể dành tiền bạc và thời gian để học thêm tiếng Anh thì cũng giống như là tôi nói với con mèo rằng bây giờ mày tự sống được rồi, tao phải quăng mày ra ngoài đường vì mày là nguyên nhân khiến tao phải sống chung với căn bệnh khốn khổ. Đó đều là những suy nghĩ lý trí.

Nếu mẹ tôi vẫn không thể một lần dứt khoát quăng tôi ra khỏi ngoài đường vì không nỡ thấy đứa con sống khốn khổ vì bệnh tật nay lại phải lăn lộn kiếm tiền, thì cũng giống như tôi không thật lòng muốn quăng con mèo ra ngoài đường vì nó đã quấn quýt với tôi gần 10 năm trời. Đó gọi là những hành vi bản năng.

Nếu đột nhiên trong nhà không còn mèo nữa, lòng tôi sẽ chất chứa những câu hỏi vô tận: “mày giờ đang ở đâu? Đang làm gì? Cuộc sống ra sao? Có những gì mới không? Có gặp khó khăn gì không?” thì cũng tương tự, những câu hỏi như vậy cũng xuất hiện trong lòng mẹ tôi.

Rồi cũng đến lúc mèo ra đi. Rồi cũng đến lúc mẹ ra đi. Nếu vậy, chẳng phải cố gắng dành thêm thời gian cho nhau để đến lúc ra đi, chúng ta không có gì phải ân hận sẽ tốt hơn sao. Đó có phải là một lập luận có lý trí không?

Tôi thấy nhiều người sống một cuộc sống vô cùng lý trí. Thật đáng ngưỡng mộ. Tôi cũng hay nói lý lắm. Nhưng với mỗi một con mèo mà tôi không thể vận dụng lý trí được, thì sao mẹ tôi có thể làm vậy được?

Tôi nghĩ, nếu có một người mà mình không thể dùng lý trí để đối xử được, thì đó chính là người mình thật sự yêu thương.

Nói thêm
Thật ra mẹ chẳng thích nuôi mèo. Đái ỉa lung tung, ngày nào cũng phải dọn. Mình lại cũng dị ứng cao với mèo (7o IU/ml, mức bình thường là dưới 1). Thật sự mà nói thì cũng mấy lần nghĩ tới chuyện bỏ nó. Bác sĩ nói bỏ, người thân nói bỏ, chỉ là mình không nỡ bỏ.

Lại dùng phép so sánh, nếu mình bỏ mèo vì nó là vô dụng và là gánh nặng của mình, theo đúng quy luật của kinh tế thị trường, vậy thì khi mẹ mình trở nên già yếu và không còn đưa ra được lời khuyên nào chính xác, vậy thì đúng theo quy luật thì trường, tôi có bỏ mẹ không?


Leave a comment

Ghép đầu: tại sao không?

Từ khi cái tên Valery Spiridonov được công bố như ứng viên tự nguyện cho ca ghép đầu người đầu tiên trên thế giới của bác sĩ Ý Sergio Canavero, tranh cãi bùng lên. Đã có chỉ trích Tiến sĩ Ý Sergio Canavero là “bác sĩ điên”, một “Frankenstein”hiện đại. Trang web tương lai học motherboard.vice.com đã phỏng vấn cả bệnh nhân lẫn bác sĩ của “ca phẫu thuật lịch sử” này.

Bệnh nhân: “Hy vọng một cơ sở khoa học lớn”

Valery, tại sao anh quyết định công khai về mình? Lẽ ra anh có thể giữ bí mật nếu anh muốn…

Valery Spiridonov. Ảnh: Tass

Đây là một thí nghiệm quy mô rất lớn, giống như người đầu tiên vào vũ trụ, người đầu tiên lên Mặt trăng hay tương tự vậy. Đây là một đột phá trong khoa học, công nghệ và sinh học. Chúng tôi không thể giữ bí mật bởi mọi người cần phải biết điều gì đang diễn ra và những cơ hội nào sẽ đến. Tôi phải kể cho mọi người nghe về những loại phẫu thuật mà hàng trăm nghìn người khác trong những điều kiện tồi tệ hơn tôi, cần tới.

Ca phẫu thuật được xếp lịch tới hai năm sau. Anh có cần chuẩn bị gì không?

Hôm nay tôi không làm gì đặc biệt. Tôi nói chuyện với mọi người, mô tả những gì sẽ diễn ra. Tôi cho họ thấy những cơ hội hạn chế của những người như tôi. Tôi cho họ thấy tôi cảm thấy thế nào với cơ thể yếu bệnh của mình. Những người như tôi cần rất nhiều sự chú ý, hỗ trợ, giúp đỡ từ người khác. Chúng tôi lệ thuộc vào người thân rất nhiều. Điều đó rất nặng nề. Mọi người cần biết chuyện đó…

Tôi và Canavero đang chuẩn bị cho một hội nghị của những nhà thần kinh học nổi tiếng nhất ở Annapolis (Maryland) hè này. Ông ấy sẽ có bài giới thiệu và tiết lộ một số bí mật. Ông ấy muốn tôi có ở đó. Tôi đang tìm kiếm sự hỗ trợ và những mạnh thường quân giúp tôi tới Mỹ. Tôi là nhà thảo chương, có công việc, kiếm sống được. Nhưng đó là việc độ nhật, còn đi Mỹ là chuyện khó khăn với tôi vì tôi phải trả tiền vé cho tôi và cho bạn tôi, người giúp tôi di chuyển.

Cuộc sống của anh trước đây như thế nào?

Tôi làm cho các công ty viết những phần mềm giáo dục, chương trình cho các trường học và trẻ em. Tôi cũng làm những đồ họa 3D cơ bản ở đây. Tôi làm việc chủ yếu qua internet. Tôi dậy vào 9 giờ sáng mỗi ngày. Người láng giềng giúp tôi rời giường vì tôi không thể tự làm điều đó. Tôi làm việc cả ngày vì không thích phí thời gian vào những chuyện không quan trọng. Tôi không xem tivi nhiều, không xem phim nhiều, tôi thích làm việc, thích tạo ra cái gì đó tốt đẹp. Mẹ tôi nấu ăn, giúp tôi cả ngày.

Thủ thuật Gemini – với sự tham gia của 150 bác sĩ và kéo dài 36 giờ – liên quan đến việc nối khối dây thần kinh nằm trong xương sống. Ảnh: mediacalnewstoday.com

Nó luôn là như thế? Tình trạng của anh đang thoái hóa, trước đây có tốt hơn không?

Tôi không thể đi từ hồi một tuổi, lúc còn bé xíu. Tôi không hề nhớ mình từng đi đứng thế nào. Nhưng tôi không có những suy nghĩ buồn bã, tôi đã quen sống thế này và cảm thấy ổn. Tôi không thường đi bác sĩ. Dẫu sao họ cũng không giúp gì được vì bệnh này không thể chữa.

Anh có hiểu được khoa học đằng sau ca phẫu thuật? Anh có hiểu chuyện sắp xảy ra không?

Tôi không phải bác sĩ, không học ngành y. Tôi là kỹ sư, tôi chỉ hiểu những gì kỹ thuật, nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng Canavero.

Anh không lo lắng à?

Tôi không lo gì cả. Ai đó phải là người đầu tiên. Ai đó cần đi xa hơn, tới nơi chưa từng ai tới. Nhà du hành vũ trụ đầu tiên từng sợ, tôi chắc vậy. Tôi cũng sợ, chắc rồi, nhưng tôi hiểu chuyện này phải được thực hiện, bởi nếu anh không thử thì nó chẳng bao giờ xảy ra.

Anh đang chờ đợi điều gì? Anh muốn làm gì trong một cơ thể mới?

Sau ca phẫu thuật, dù tôi sống hay chết, liệu tôi có thể đi hay không thì dẫu sao nó cũng đã diễn ra, sẽ có một cơ sở khoa học lớn khi đó. Người ta sẽ biết làm những việc phức tạp này như thế nào và nó sẽ giúp những thế hệ tương lai. Cho nên nó hoàn toàn xứng đáng.

Anh thường nói chuyện với Canavero không?

Chúng tôi trò chuyện một hay hai lần/ tuần. Chia sẻ thông tin và lên kế hoạch cho hội nghị, và những chuyện tương tự. Chúng tôi nói chuyện qua Skype và email nên tuy tôi không gặp trực tiếp ông ấy, nhưng ông ấy hiểu thấu đáo bệnh tình của tôi.

Chắc anh phải nghe vài thứ người ta nói về chuyện này trên truyền thông, và những bác sĩ khác bảo chuyện này sẽ không thành công.

Tôi vui vẻ đọc chúng. Tôi đọc các bình luận, đa phần là tốt, mọi người chúc tôi may mắn. Họ hiểu tại sao tôi cần chuyện này, tôi vui vì đa số ủng hộ.

Tôi hiểu các nguy cơ của ca phẫu thuật. Chắc chắn rồi, không ai làm chuyện này trước đây và không ai có công nghệ nối dây thần kinh ngoài Canavero. Họ đúng khi hoài nghi, nhưng tôi hi vọng bác sĩ (Canavero) sẽ chia sẻ một số bí mật của ông ấy mùa hè này.

Bác sĩ: “Tôi thuộc loài những nhà phẫu thuật thần kinh khác”

Giữa thế kỷ 20, Tiến sĩ Robert White thực hiện cấy ghép đầu trên khỉ và đã không thành công. Có gì khác với ca của ông?

Tiến sĩ, bác sĩ phẫu thuật thần kinh Sergio Canavero. Nguồn RFI

Những gì anh đề cập không phải là thủ thuật Gemini (tên phương pháp phẫu thuật mà bác sĩ Canavero sẽ thực hiện – HT)… Thủ thuật này có thể thực hiện vào thời bác sĩ White. Vấn đề ở chỗ ông ấy không phải là một nhà phẫu thuật thần kinh chức năng. Khả năng nối những dây (thần kinh) bị cắt đứt cũng đã có từ năm 1986… và nếu bác sĩ White còn sống, chính ông ấy sẽ làm điều đó, khi đó thì tôi không có ở đây và anh cũng không ở đây nói chuyện với tôi. Vấn đề là ông ta là một nhà “phẫu thuật thần kinh dịu dàng” (gentle neurosurgeon), còn tôi thuộc loài những nhà phẫu thuật thần kinh khác.

Ông đã được gọi bằng nhiều thứ (tên) sau khi công bố việc này.

Tôi đang viết một bảng trả lời về những vấn đề đạo đức. Đây là vấn đề tôi thấy mình phải giải quyết: đạo đức. Tôi rất vui vì Valery lộ diện và thông báo (tình nguyện tham gia phẫu thuật ghép đầu)… Nếu các bạn muốn hiểu vì sao chúng tôi làm điều đó, hãy đi tới bất cứ bệnh viện nào và tìm ở đó những người mắc bệnh giống Valery. Bạn sẽ thấy những con người đó 24 giờ ngồi trên xe lăn, khi họ tiểu tiện phải có người tới giúp… Hãy nói chuyện với những người bị những căn bệnh ác liệt này hành hạ.

Ai sẽ trả tiền cho việc này?

Tôi có một thư mục với đầy đủ email của những người muốn được phẫu thuật. Tại Anapolis (ở hội nghị mà Canavero dự kiến công bố về ca phẫu thuật vào tháng Sáu năm nay), tôi sẽ kêu gọi Bill Gates, Mark Zuckerberg và những người tương tự ký sec để khiến điều đó xảy ra. Anh có thể viết: Tôi yêu cầu Bill Gates tài trợ ca phẫu thuật này.

Ông có vẻ tự tin.

Một chuyện khác nữa là nhà thờ Chính thống giáo của Nga vừa mới la ó rằng nếu Valery nhận ca mổ này, anh ấy sẽ hòa trộn linh hồn mình với linh hồn người khác. Đây là chuyện quan trọng, là ý nghĩa thật sự của phẫu thuật này: đập tan tôn giáo. Nếu chúng tôi làm việc này và nếu mọi chuyện diễn ra không theo cách các tôn giáo chờ đợi, họ sẽ thực sự khó khăn: có nghĩa chúng tôi chứng minh về mặt khoa học là quan điểm của họ sai.

Ông đề cập đến chuyện kéo dài cuộc sống, và tôi biết đây là một phần của việc này. Ông có muốn cấy ghép đầu người vào những cơ thể nhân tạo? Có phải đây là việc mà chuyện này sẽ nhắm tới, thí dụ, sau 100 năm nữa?

Có sai lầm ở đây. Anh nói 100 năm. Không, chúng ta đang nói về 20, 30 năm. Một khung thời gian ngắn hơn… Anh sẽ không cần 150 người, nó sẽ không kéo dài 36 giờ, mà sẽ được thực hiện ở bệnh viện gần nhà.

Sinh sản vô tính hiện chưa thể thực hiện trên qui mô lớn, và các dòng vô tính chết rất nhanh, chúng rất dễ bệnh hoạn, và bạn chưa muốn thực hiện nhân bản con người.

Nhưng hãy tưởng tượng tương lai. Cấy ghép đầu trở nên khả thi. Những tử cung nhân tạo sẽ được phát triển và hoàn thiện. Lúc đầu, nó sẽ giúp những ai có hoàn cảnh khủng khiếp. Sau đó khi nhân bản trở nên khả thi, nó sẽ thay đổi vĩnh viễn lịch sử nhân loại. Anh, và tôi, vâng, hi vọng cả tôi nữa, sẽ có một cơ thể mới. Tới tuổi 60, bạn bắt đầu nhân bản chính mình và sẽ tốt như mới!

Bác sĩ Canavero ước tính chi phí cho ca phẫu thuật lịch sử này là 13 triệu USD, với một êkíp 150 bác sĩ thực hiện ca mổ cấy ghép dài 36 giờ. Trong ca phẫu thuật dự kiến, hai người (một với đầu hoạt động tốt nhưng cơ thể không khỏe mạnh, và người thứ hai chết não nhưng cơ thể vẫn còn hoạt động) sẽ bị chặt đầu cùng lúc, rồi đầu người có cơ thể ốm yếu sẽ được ghép vào cơ thể đã chết não bằng chất Poly-ethylene glycol. Hunt Batjer, tân chủ tịch Hiệp hội Các nhà phẫu thuật thần kinh Mỹ cảnh báo Spiridonov có thể đối mặt với số phận “tệ hơn là chết” bởi vì nếu mọi thứ không đúng như mong muốn, Spiridonov không còn thở tự nhiên được nữa. Batjer cũng nhắc rằng còn một bước rất lớn từ việc não sống sót sau cuộc phẫu thuật đến việc phục hồi chức năng cơ thể, điều Canavero vẫn chưa nhìn tới. (theo CNN) 

Hằng Thu

(Theo motherboard.vice.com, CNN, medicalnewstoday.com)

http://www.nguoidothi.vn/vn/news/vui-song/cau-chuyen-bac-si/4513/ghep-dau-tai-sao-khong-.ndt